PHẦN VII MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT KHÓ MỞ RỘNG TRONG SẢN XUẤT VÀ NHỮNG MẤT MÁT VỀ CON NGƯỜI CỦA CỤC TRỒNG TRỌT

                                                 PHẦN VII MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT KHÓ MỞ RỘNG TRONG SẢN XUẤT     (Xem File đính kèm)

                                                 PHẦN VII

MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT KHÓ MỞ RỘNG TRONG SẢN XUẤT VÀ NHỮNG MẤT MÁT VỀ  CON NGƯỜI  CỦA  CỤC TRỒNG TRỌT

 

I. CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT KHÓ MỞ RỘNG  TRONG SẢN XUẤT

1. LÚA THẦN KỲ và KHOAI Ụ

a. Lúa Thần kỳ

       Nông dân Miền Bắc còn nhớ vào khoảng 1959-1960, theo đề xuất của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp đồng ý thử nghiệm làm “lúa thần kỳ”. Kỹ thuật làm “lúa thần kỳ” được du nhập từ Trung Quốc. Theo tài liệu giới thiệu và hướng dẫn của Trung Quốc thì nội dung kỹ thuật làm “lúa thần kỳ” chủ yếu là:

          - Cày sâu dưới tầng đế cầy khoảng 10-15cm tạo tầng đế cầy mới để tăng thêm nguồn dinh dưỡng từ đất thỏa mãn cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

          - Bón thật nhiều phân để cho cây lúa đủ sức ăn.

- Cấy thật dầy để tăng dảnh lúa cơ bản trên đơn vị diện tích.

Năng suất có thể đạt 10-15 tấn/ha/vụ.

       Trong tài liệu giới thiệu và hướng dẫn họ có chụp bức ảnh mấy đứa trẻ đứng lên trên những bông lúa mà cây lúa không đổ một cách ma mị để minh họa.

       Việc làm thử nghiệm bắt đầu từ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp ở Văn Điển, Hà Nội. Anh chị em lao động của Viện dùng mai đào đất cho thật  sâu, vì chỉ có cách này đất mới làm sâu được 30-40 cm mà cày 51 không thể làm được. Ở thí nghiệm 100 m2 được bón rất nhiểu phân chuồng để quy ra phải đạt 20 tấn/ha, cấy dầy khoảng 3x3 cm (gần như gieo mạ thưa). Thời kỳ lúa sinh trưởng dinh dưỡng các lá lúa ken chật vào nhau, những đám lúa ở giữa ô thí nghiệm không được thông thoáng, nhiệt độ tăng cao hơn đám lúa ngoài rìa bở, lá lúa vàng, những lá gốc bị khô cháy, khổ cho anh chị em lao động phải dùng quạt rê lúa ở nông thôn mà ra sức quạt cho ruộng được thoáng gió (thuở ấy làm gì có quạt điện thông gió như bây giờ mà dùng). Rồi thì Viện cũng tổ chức cho các đoàn ở các tỉnh đến tham quan đầu bở “Ruộng thí nghiệm cấy lúa thần kỳ” và kết quả mới là điều đáng nói “lúa thần kỳ” ấy không thu được dù chỉ là một hạt thóc.

       Phong trào làm “lúa thần kỳ” được Bộ Nông nghiệp chỉ đạo làm thí điểm ở nhiều tỉnh Phía Bắc. Bắc Ninh cũng là một tỉnh hưởng ứng nhiệt tình, tiên phong trong phong trào này.

          Ông Lê Hồng Nhu, Trưởng phòng Trồng trọt, Cục Trồng trọt khi đó là thanh niên còn trẻ ở quê Bắc Ninh đã cùng gia đình tiến hành làm thử nghiệm. Nhà có 5 sào lúa thì bỏ ra 2 sào làm thử nghiệm.

       Để thực hiện, ông bố cày bằng Cày 51 đi trước lật đất, con cày chìa vôi đi sau đào thêm một đường nữa cho sâu thêm độ 10-15 cm. Cày xong rải phân xanh, phân chuồng thật nhiều rồi bừa ủ độ 10-15 ngày sau đó bừa san để cấy. Khi cấy, cấy thật dày, hàng cách hàng chỉ độ 10-15cm, cây cách cây độ 4 - 5cm. Cấy xong trông ruộng lúa đã gần như kín đất. Khi lúa đẻ nhánh còn tưới thêm nước giải, nước phân lợn. Vụ mùa, lúa vươn rất nhanh, toàn lá là lá. Lúa chuẩn bị làm đòng, trời nắng như thiêu, trên nóng dưới nóng, ruộng lúa như nung, bệnh khô vằn tấn công, cả ruộng chuyển sang màu xám. Trời tiếp cho nhiều trận mưa lớn, cây lúa gốc yếu, gió quật đổ ngổn ngang. Thế là lúa chưa trỗ đã được gặt. Bố con mướt mồ hôi cắt đem rơm về nhưng vì rơm nhũn, trâu cũng không thèm ăn. Đúng là “lúa thần kỳ”. Ông bố bảo: “May mà làm có 2 sào, nếu nghe mày làm cả 5 sào thì nhà chết đói”.

       Chỉ một số ít hợp tác xã ứng dụng mô hình “lúa thần kỳ” này vì họ thấy tốn công, tốn của, chi phí quá cao nhưng chủ yếu là từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa thấy ai làm lúa theo kiểu ấy. Một số hợp tác xã tiếp nhận kỹ thuật mới đã cho đội kỹ thuật làm thử, cứ làm, công điểm đã có đội chấm công, chi phí đã có kế toán ghi nhận bởi đã là của chung chả ai sót, thất bại cũng chẳng ai phải  chịu.

       Có thể bên Trung Quốc, vụ xuân thời tiết lạnh nên biện pháp cấy dầy áp dụng được nhưng ở Việt Nam trời nóng nên không thể học họ một cách máy móc như thế. Bây giờ nhìn lại mới thấy rằng quan điểm cho thí nghiệm làm “lúa thần kỳ” không phải đề xuất của Vụ Trồng trọt, nhưng vì là thí nghiệm thì cứ để cho họ làm, mà đã là thí nghiệm thì có thể thành công cũng có thể thất bại. Đó là chuyện bình thường.

       b. Khoai lang ụ:

       Song song với làm thí điểm “lúa thần kỳ”, Bộ Nông nghiệp cũng cho làm thí điểm trồng “khoai lang ụ” mà kỹ thuật này cũng xuất phát từ Trung Quốc.

       Theo giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật thì làm khoai ụ sẽ không tốn đất, trên sân trên vườn chỗ nào cũng có thể làm được mà năng suất thu được lại rất cao. Trong giới thiệu họ còn chụp những bức ảnh khi bới ụ khoai ra đầy những củ.

Kỹ thuật làm phân ụ chủ yếu là:

- Lấy đất mầu hoặc bùn ao phơi khô đập nhỏ.

- Trộn đất với phần chuồng, phân rác, phân xanh…thành một hỗn hợp đất phân để làm ụ trồng khoai.

- Trên sân hoặc trên vườn… đều có thể làm những ụ để trồng.

       Cách làm: Lấy hỗn hợp đất phân rải một lớp dầy độ 30cm, vòng tròn đường kính ụ khoảng 2-3m. Xếp dây khoai lang lên theo vòng tròn ụ, cách nhau khoảng 30cm một dây. Xếp dây khoai xong lấy hỗn hợp phân đất chất tiếp lên khoảng 30 cm lại rải dây khoai một lượt. Cứ như thế khi nào ụ khoai cao chừng 2 - 3m thì thôi. Ụ khoai trồng xong như một đống rơm nhỏ. Khi khoai lên xanh có thể tưới nước khi khô hoặc tưới bổ sung nước phân cho khoai tốt.

       Ngày ấy, ở sân các hợp tác xã, sân nào cũng có một vài ụ trồng khoai lang thí điểm. Sau vài tháng, dây khoai tốt phủ xanh kín ụ, trông ụ khoai xanh đến là đẹp mắt.

       Rồi cũng đến ngày thu hoạch, mọi người nao nức ra xem thành quả. Khi cắt dây xong và bới ụ khoai ra, mọi người mới thấy ngán ngẩm vì ụ khoai toàn rễ là rễ, chỉ được ít củ không đáng là bao. Thế là kỹ thuật trồng thí điểm khoai ụ cũng không thành công và nông dân đã trả lại kỹ thuật này về nơi xuất xứ của nó.

          2. PHÁT TRIỂN CÂY CỌ DẦU

          Trong các năm 1964-1965, nước ta đang trong giai đoạn rất khó khăn về lương thực, thực phẩm. Hồ Chủ tịch biết được ở Hải Nam, Trung Quốc lúc bấy giờ đang phát triển mạnh cây cọ dầu để sản xuất ra dầu cọ phục vụ bữa ăn cho nhân dân. Theo tài liệu được biết thì mỗi hecta cọ dầu thu hoạch quanh năm cho sản lượng hàng năm vào khoảng 10 tấn quả, từ đó có thể ép được 3 tấn dầu cọ từ thịt quả và thu được khoảng 750 kg hạt, có thể ép ra 250 kg dầu cọ từ hạt có chất lượng cao và 500 kg bã hạt. Bã được dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

       Hồ Chủ tịch đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp đưa cán bộ của Bộ sang Hải Nam nghiên cứu, học tập để về phát triển cây cọ dầu ở nước ta. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoàng Anh giao cho Vụ Trồng trọt do ông Dương Hồng Hiên làm Vụ trưởng tổ chức ngay đoàn cán bộ sang Hải Nam.

          Năm 1965, đoàn cán bộ của Vụ Trồng trọt gồm ông Nguyễn Hữu Nghĩa, làm trưởng đoàn cùng ông Nguyễn Xuân Phương và ông Mai Xuân Tạnh được cử sang Hải Nam để nghiên cứu, khảo sát và học tập về trồng và chế biến cọ dầu. Sau nửa năm khảo sát ở Hải Nam trở về, Vụ Trồng trọt thành lập bộ phận phát triển cây cọ dầu do ông Nguyễn Hữu Nghĩa làm nhóm trưởng.

          Năm 1967, nhập hạt  giống cọ dầu Dura của Trung Quốc, đưa về ươm tại ba trại ở Thanh Hoá, Hưng Yên và Nghệ An, sau đó đem trồng thử nghiệm ở ba nơi đó là Vĩnh Bảo, Hải Phòng do ông Nguyễn Hữu Nghĩa phụ trách; ở Yên Định, Thanh Hóa do ông Nguyễn Xuân Phương phụ trách và tại Hương Sơn Hà Tĩnh do ông Mai Xuân Tạnh phụ trách.

Vào ngày 23-11-1968, Bộ Nông nghiệp có công văn "Báo cáo về cây cọ dầu kính trình Hồ Chủ tịch" do Vụ phó Vụ Trồng trọt Lã Xuân Đĩnh ký.

          Sau hơn 10 năm trồng thử nghiệm, kết quả cọ dầu trồng ở Hải Phòng sinh trưởng kém, năng suất không cao tại Thanh hóa kết quả cũng tương tự. Tại Hà Tĩnh kết quả có khá hơn. Trại thí nghiệm Hương Sơn đã cùng khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm Vinh hồi đó nghiên cứu và thấy cây cọ dầu ở Hương Sơn, mặc dù khi trồng giống đã quá già, khí hậu mỗi năm mất 5 tháng nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C, thậm chí có nhiều ngày nhiệt độ dưới 15 độ C làm cho cọ dầu sinh trưởng kém và không thụ phấn được, nhưng cây cọ dầu vẫn phát triển được và cho năng suất trung bình hơn 6 tấn buồng quả/năm.

       Để tổng kết chương trình trồng thử nghiệm cây cọ dầu, trong ba ngày 17 đến 19-11-1980, Bộ Nông nghiệp tổ chức hội nghị chuyên đề về cây cọ dầu tại Hà Tĩnh và kết luận cây cọ dầu có thể phát triển được từ Nam Hà Tĩnh trở vào. Kết quả hội nghị chuyên đề trên được Bộ Nông nghiệp báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Võ Chí Công vào năm 1981 và các đồng chí Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều đã cho chỉ thị đưa cây cọ dầu vào sản xuất.

       Sau năm 1981, việc thí điểm trồng cọ dầu ở Hải Phòng và Thanh Hóa dừng lại. Ồng Nguyễn Hữu Nghĩa chuyển về công tác tại Sở Khoa học Hải Phòng và ông Nguyễn Xuân Phương về Trại đậu đỗ Định Tường, Thanh Hóa.

       Tại Hà Tĩnh, khi ông Tạnh đang cùng các cộng sự mừng vui trước những cụm hoa cọ dầu xòe nở cho nhiều triển vọng, thì năm 1982 tỉnh Nghệ Tĩnh cho sáp nhập Trại chăn nuôi hươu vào Trại thí nghiệm cây cọ dầu lấy tên là Xí nghiệp Hươu Hương Sơn. Từ đây chương trình thí nghiệm cây cọ dầu bị con hươu lấn át và không còn ai nhắc việc thí nghiệm, phát triển cây cọ dầu nữa. Chương trình trồng thử nghiệm cây cọ dầu ở các tỉnh phía Bắc kết thúc.

       Để tiếp tục nghiên cứu trồng cây cọ dầu, năm 1986 Bộ Nông nghiệp đã giao cho Viện nghiên cứu dầu thực vật (OPI) triển khai đề tài ”Nghiên cứu khả năng thích nghi của Cọ Dầu ở các tỉnh phía Nam” làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch và phát triển Cọ Dầu tại Việt Nam.

       Sau năm 1986, ở Miền Nam đã trồng khoảng 650 ha cọ dầu tại Gia An, tỉnh Đồng Nai (thuộc Công ty Dầu thực vật Đồng Nai) để khai thác dầu. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu dầu và Cây Cọ Dầu cũng đã tiến hành trồng khảo nghiệm khả năng thích nghi của Cây Cọ Dầu trên các vùng sinh thái: Vùng phèn mặn Bình Khánh và Đỗ Hòa (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), vùng đất phù sa cổ Mộc Hóa (tỉnh Long An), vùng đất xám bạc màu Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), vùng đất phèn Nước Mục (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), vùng đất phèn nhiễm mặn nhẹ Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) và vùng đất cát ven biển (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Mỗi điểm khảo nghiệm có quy mô từ 1 - 2 ha với giống cọ dầu Tenera C và D: C0101, C7001, C7128, C2101 và D1439 được nhập từ Pháp, ươm ở Nông trường Cọ dầu Gia An (Xuân Lộc, Đồng Nai), cây con được bố trí trồng trên các vùng sinh thái khác nhau như đã kể ở trên.

       Qua công trình nghiên cứu, các nhà chuyên môn khẳng định về khả năng sinh trưởng phát triển Cọ Dầu trên vùng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long, đất xám miền Đông Gia An, đất phèn Nước Mục Long An, đất phèn nhiễm mặn nhẹ Thủ Đức, đất cát Phù Cát là tương đối phù hợp cho năng suất 2,6 tấn dầu/ ha. Cây cọ dầu trên vùng đất phèn sẽ cho hàm lượng dầu/khối lượng khô 52,25 - 56,06 %, hàm lượng dầu nhân cọ 45 -52 % và có chất lượng dầu tương đương với Dầu Cọ Malaysia.

       Hiện nay, một số nơi ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long đã trồng cọ dầu đạt kết quả tốt.

       Anh Lê Phong Phú (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) trồng gần 50 ha cây cọ dầu. Phần lớn diện tích này tại xã Bình Lợi, số còn lại ở các tỉnh Long An, Bình Thuận. Theo tính toán, mỗi ha cọ dầu được thu hoạch quanh năm sẽ cho sản lượng vào khoảng 10 tấn quả. Từ đây, có thể sản xuất được 3 tấn dầu cọ từ thịt quả và 250kg dầu cọ từ hạt.

       Tuy nhiên, cây cọ dầu không được coi là cây có sản phẩm hàng hóa lớn trong kế hoạch phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nên việc đầu tư của nhà nước có hạn chế. Do vậy, cây cọ dầu ở Việt Nam khó phát triển trở thành cây chủ lực của nền kinh tế như ở Malaysia hay Indonesia.

   3. NHÂN VÔ TÍNH MẦM KHOAI TÂY BẰNG CÁCH ĐƠN GIẢN

Việc mở rộng diện tích trồng khoai tây Vụ đông gặp 2 trở ngại:

- Lượng giống rất lớn: Nếu trồng bằng giống khoai tây vàng Thường Tín (Ackesegen) thì cần 40-50 kg củ giống cho một sào bắc bộ (360m2­­­). Nếu trồng bằng giống mới nhập nội như Mariella, Diamant, Nicola.. thì phải 60-70 kg/sào.

- Khoai tây nhiễm bệnh virus (X, Y) rất nặng có thể làm giảm năng suất tới 20-30%.

Để giải quyết 2 vấn đề này, ý tưởng kỹ thuật đưa ra là nhân giống bằng mầm khoai tây dựa trên sự tính toán cơ học:

       Giảm lượng giống bằng cách từ một củ khoai tây cho nảy mầm rồi từ các mầm này nhân vô tính được nhiều cây con khác và tiếp tục nhân sẽ có đủ lượng cây giống trồng cho một sào. Viên sỹ Giáo sư Đào Thế Tuấn nói gọn lại: “Chỉ cần một củ khoai tây trồng được một sào”. Giáo sư và các cán bộ tập huấn chuyển giao công nghệ cho hợp tác xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Ngọc Khoa mở loa trực tiếp yêu cầu các hộ và lao động đang làm việc trên đồng về ngay sân kho hợp tác xã để nghe Giáo sư Đào Thế Tuấn nói phương pháp chỉ cần một củ giống có thể đủ trồng cho một sào khoai tây. Thật kỳ lạ nên vì hiếu kỳ nên bà con kéo nhau đến sân kho rất đông, có cả trẻ em đang mò cua ngoài đồng cũng theo người lớn kéo về xem như xem trò ảo thuật.

       Sau khi Giáo sư giảng về lý thuyết, các cán bộ kỹ thuật tiến hành thao tác kỹ thuật để hướng dẫn nông dân cách nhân giống vô tính từ những mầm khoai tây của một củ, mỗi mầm được cắt rất nhiều lần, mỗi lần cắt là một đốt lá được đem giâm vào bầu sẽ mọc thành một cây khoai tây và nhân đủ số cây trồng cho một sào. Phản ứng của người nghe và xem là: “Còn phải làm chán mới đủ cây giống trồng cho một sào, cứ tưởng một củ khoai giống trồng ngay cho một sào có mà là ảo thuật”. Nông dân kéo nhau ra về còn Giáo sư và cán bộ kỹ thuật đi theo, bụng bảo dạ đốt cháy giai đoạn thật khó thành công vả quả nhiên biện pháp kỹ thuật này không thể nhân vô tính quá giản đơn để áp dụng vào trong sản xuất.

        4. GIEO MẠ LÚA XUÂN KHÔNG ĐẤT 

       Khi lúa xuân phát triển mạnh và thay thế vụ lúa chiêm ở Miền Bắc thì các phương thức làm mạ xuân cũng đặt ra bởi vì thời vụ gieo mạ xuân (cuối tháng 1 đến đầu tháng 2) là thời gian thường hay gặp rét nặng, rét hại làm chết mạ dẫn đến không có mạ để cấy  (hợp tác xã nói là thủng diện tích).

        Trong bối cảnh đó, khi Giáo sư Bùi Huy Đáp làm Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp đặt vấn đề với Vụ Trồng trọt có thể hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật gieo mạ xuân không đất cho hợp tác xã. Có lẽ ý tưởng này dựa theo cách làm mạ Dapo của Nhật Bản được cụ thể vào hoàn cảnh của Việt Nam.

       Huyện Hoài Đức (do ông Bùi Trần Chuyên làm Bí thư) và hợp tác xã An Khánh (do ông Nguyễn Quốc Trị làm chủ nhiệm) ở tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) được chọn là điển hình trong phạm vi quy mô huyện và quy mô hợp tác xã. Giáo sư Bùi Huy Đáp cùng ông Nguyễn Kim, Phó Viện trưởng phối hợp với Sở Nông nghiệp Hà Sơn Bình, huyện Hoài Đức mở hội nghị bàn kế hoạch triển khai “gieo mạ không đất” ở ngay hợp tác xã làm điểm là An Khánh. Các chủ nhiệm hợp tác xã trong huyện về họp đầy đủ, không thiếu một người. Giáo sư Đáp trình bày rất hay về cách làm mạ không đất. Ông Chuyên, Bí thư Huyện ủy giao kế hoạch và trách nhiệm cụ thể cho từng chủ nhiệm hợp tác xã, Giáo sư Đáp thì giao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo cho Viện phó Kim phải cùng với Sở Nông nghiệp Hà Sơn Bình triển khai ngay. Cũng không hiểu vì mến mộ danh tiếng Giáo sư Bùi Huy Đáp hay sợ trách nhiệm trước Bí thư Huyện ủy mà các ông chủ nhiệm hợp tác xã lại hồ hởi đồng tình cao đến thế. Tất cả phấn khởi ra về như vừa học một bài rất mới.

       Các ông Chủ nhiệm hợp tác xã bắt tay triển khai rầm rộ phong trào gieo mạ không đất trên toàn huyện Hoài Đức. Sân kho hợp tác xã được đội kỹ thuật lấy gạch xếp thành những luống hoặc ô nhỏ, dùng đất sét để miết mạch chỗ tiếp xúc giữa gạch và nền sân cũng như chỗ liên kết các viên gạch với nhau như kiểu vữa xi măng vậy. Lá chuối dùng cả tầu lót xuống nền luống hoặc ô để sau khi gieo mạ có thể giữ được nước tưới xăm xắp dưới chân cây mạ. Giống lúa sau khi ngâm ủ mọc mầm thì đem gieo và được dưỡng cây bằng nước trên nền không có đất như kiểu thủy canh.

       Không may, vụ xuân năm ấy bị rét hại rất nặng. Nhiệt độ bình quân cả tháng 12 là 15,9 o C, tháng 1 là 13,1o C, tháng 2 là 14,5o C. Đấy là bình quân cả tháng trong đó có nhiều ngày nhiệt độ xuống thấp đưới 10o C, đặc biệt tháng 1 nhiệt độ cực trị xuống tới 5-8 o C. Để chống mạ chết rét, hợp tác xã huy động xã viên đem tro bếp phủ mạ, lấy rơm rạ, củi gộc đốt hun thành khói để làm giảm sương muối. Đã bằng mọi cách mà mạ vẫn chết hàng loạt không cứu vãn nổi. Chủ nhiệm Nguyễn Quốc Trị ở An Khánh cho Phó chủ nhiệm đạp xe đến Viện Khoa học kỹ thuật mời Giáo sư Bùi Huy Đáp về cho ý kiến khắc phục. Giáo sư về quan sát và xem mạ thấy không thể cứu chữa được, Giáo sư phê bình Ban chủ nhiệm rất ngắn gọn: “Tại các anh làm không đúng kỹ thuật”. Như bị xúc phạm Chủ nhiệm Trị phản ứng ngay: “Các anh nói thế nào cũng được, các anh bảo phải tưới nước giữ ấm chúng tôi tưới nước, các anh bảo phải phủ tro chúng tôi phủ tro, các anh bảo phải đốt lửa tạo khói tránh sương muối chúng tôi cũng đốt lửa hun khói. Đấy phi lao, bạch đàn chặt hết rồi để làm củi hun khói theo các anh chỉ bảo. Giở thì các anh còn muốn gì nữa ?”

       Không đối đáp thêm, Giáo sư cùng ông Nguyễn Kim, viện phó cùng mấy anh em kỹ thuật bỏ ra về mặc cho hợp tác xã đã chuẩn bị cơm có thịt gà, thịt lợn để mời khách.

       Kết quả của gieo mạ không đất là huyện Hoài Đức đã bị chết 210 tấn giống gieo mạ. Bí thư huyện ủy Bùi Trần Chuyên thì im lặng, Bí thư tỉnh ủy Hà Sơn Bình Nguyễn Xuân Trường (sau này làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm) thì hỏi Sở Nông nghiệp “tại sao các anh không cấm ông Đáp vào tỉnh ta gieo mạ không đất”, “Thưa anh, chỉ có Tỉnh ủy mới cấm được thôi ạ” anh em trả lời lại với Bí thư Tỉnh ủy như vậy. Đấy thêm một thất bại nữa hay là một sự việc đáng nhớ trong thời kỳ (1975-1990) của nông nghiệp

       5. LÀM PHÂN VIÊN BÓN LÚA

       Cũng trong thời gian này Giáo sư Đáp đặt vấn đề với Vụ Trồng trọt phối hợp để chỉ đạo làm và bón phân viên cho lúa. Về lý thuyết là chuyển cách bón đạm trên mặt ruộng bằng bón đạm sâu giữa các khóm lúa để cung cấp đạm cho lúa từ từ và hạn chế sự mất đạm do đạm Amon bay hơi dưới dạng khí Amoniac (NH4  thành NH3 bay lên) và do quá trình khử với đạm Nitrat. (NO3-  - NO2­-  - Nbay lên).

       Theo Doberman và Fairhust có đến 60% lượng đạm Amon do bay hơi NH­­3. . Quá trình khử nitrat diễn ra chậm hơn và ở tầng khử các lớp đất mặt 0,5-1,0 cm. Tại IRRI khảo sát năm 1990-1991, sau 11 ngày bón cho lúa, đạm Amon bay hơi 50% (NH3) trong khi mất do quá trình khử Nitrat (N2) là 20%.

       Như vậy, ý tưởng bón phân viên là rất tốt và hợp lý đối với điều kiện hợp tác xã còn nghèo, từng biện pháp đều phải suy nghĩ để tránh lãng phí do bị thất thoát đạm.

       Cách làm phân viên cũng giản đơn, dễ làm: Đất màu hoặc đất ải đập nhỏ, sàng đất cho mịn, trộn 10% Urê cho thật đều rồi tưới nước vừa ẩm có thể vo lại thành viên (không khô quá, không nhão quá, khoảng 70% là vừa).

       Những viên phân được vo tròn bằng hòn bi cái hoặc nhỉnh hơn một chút là được. Những viên phân này được dúi sâu giữa các khóm lúa thời kỳ con gái. Keo đất của viên phân sẽ giữ đạm cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa.

       Tại buổi tập huấn cho Trưởng phòng và cán bộ phân bón của Sở Nông nghiệp tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp ở Văn Điển, Giáo sư Đáp dùng máy công nông để phay đất cho nhỏ và trộn đạm với đất bột, sau khi tưới ẩm cho vào máy đùn. Những thỏi phân như kiểu làm thức ăn nuôi cá, tôm bây giờ. Khác ở chỗ điều chỉnh để có được những thỏi hoặc viên theo ý muốn.

       Để cải tiến thì làm những khuôn gỗ đục nhiều lỗ tạo phân viên (kiểu như ta có khuôn làm bánh nướng, bánh trung thu). Mỗi khuôn được vài chục viên phân sau mỗi lần thao tác. Anh em cán bộ kỹ thuật mỗi khi xuống hợp tác xã, đằng sau xe đạp đều buộc khuôn gỗ làm phân viên, đến đâu là thao tác và tập huấn tại chỗ, thế là lại tạo ra một phong trào làm và bón phân viên rầm rộ.

       Phong trào vừa tạo ra lại chết ẻo rất sớm vì những vướng mắc khi thực hiện trên diện tích rộng:

- Làm phân viên để đủ dúi cho hàng chục, hàng trăm ha phải chuẩn bị lượng đất bột đến hàng chục tấn lấy đâu có khu đất để khai thác hết vụ nọ sang vụ kia?

- Có phân viên lại phát sinh phải có kho chứa, diện tích kho lớn hơn nhiều lần so với diện tích chỉ cần chứa vài chục tấn Urê.

- Tốn nhiều công để sản xuất phân viên và công vận chuyển ra đồng, công đi dúi phân cũng bằng số ngày công đi cấy (một lần cấy một lần dúi phân). Để giảm công này thì được hướng dẫn có thể ném cho viên phân chìm vào lớp bùn non mặt ruộng, Nhưng ném cho viên phân chìm sâu như dúi thì phải có lực mạnh, nếu không sẽ như tung, viên phân chỉ nằm trên mặt ruộng thì mất đạm cũng như bón mặt mà thôi. Hơn nữa muốn viên phân chìm vào trong bùn thì ruộng phải có bùn nhuyễn, nếu mặt ruộng hơi khô, đất có chỗ lổn nhổn cũng không thể ném cho viên phân chìm vào sâu trong lớp bùn được. Thế là phong trào làm phân viên cũng kết thúc.

       Vào những thập kỷ sau, khi công nghiệp phân bón phát triển, ý tưởng làm phân viên và những vướng mắc khi đưa ra đại trà đã được công nghệ sản xuất phân bón hóa giải. Công ty CP phân bón Bình Điền sản xuất các loại phân bón thương phẩm bán trên thị trường như DAP Avail, viên dúi sâu (FPD), phân vo viên Văn Điển NPK 5.10.13.

       Avail là chất lỏng mầu nâu nhạt được sử dụng làm áo phân lân dạng viên DAP, avail giúp không bị các cation biến thành dạng khó tiêu mà sử dụng dạng dễ tiêu cho cây trồng hấp phụ dẫn đến giảm được số lượng phân bón. Trước đây nếu bón 100 kg DAP thì nay chỉ cần bón 60 kg DAP avial.

       Phân viên dúi sâu (FDP): Năm 2013 ở Tuyên Quang doanh nghiệp sản xuất phân viên dúi sâu FDP, vụ mùa năm này đã bán được 2.000 tấn để bón trên diện tích 9.000 ha, năng suất ruộng lúa bón phân dúi sâu FDP tăng 13-17%, lợi nhuận bón phân FDP là 1,07 triệu đồng/ha.

       Phân vo viên Văn Điển NPK 5.10.3 có bổ sung một số nguyên tố trung lượng (S,MgO, CaO…) bón cho cây trồng năng suất cũng tăng lên khoảng trên dưới 15% so đối chứng.

       Nhìn lại thấy rằng phong trào làm và bón phân viên bằng phương pháp thủ công trước đây tuy đã thất bại nhưng ý tưởng khoa học của việc bón phân viên là thực tế và đã được giải quyết thành công nhờ có công nghiệp phân bón phát triển.

        6. XỬ LÝ LÚA XUÂN TRỖ SỚM

       Vụ lúa Đông Xuân ở Miền Bắc là vụ lúa chính trong năm, thắng lợi của vụ lúa Đông Xuân sẽ quyết định sản lượng lúa cả năm vì vụ lúa này có năng suất cao, sản lượng lớn. Nếu như sản xuất lúa mùa ở Miền Bắc chịu ảnh hưởng lớn bởi úng lụt, mưa bão thì sản xuất vụ lúa Đông Xuân lại bị ảnh hưởng bởi hạn và biến động của nhiệt độ (rét, ấm). Những năm rét nặng làm mạ và cấy lúa khó khăn hay bị chết mạ, chết lúa nhưng thường là vụ được mùa lớn. Những năm vụ Đông Xuân ấm, làm mạ, cấy lúa thuận lợi nhưng thường là vụ thu hoạch kém vì mạ già, lúa trỗ sớm.

       Vụ lúa Đông Xuân 1986-1987 là một vụ ấm đến lạ thường, lúa Xuân cấy xong được ít ngày đã trỗ sớm vào đầu tháng 3. Trong tình hình ấy Vụ Trồng trọt đã tham mưu cho Bộ chỉ đạo, xử lý tình trạng ấy như thế nào?

      a. Về thời tiết: Tổng kết biến đổi thời tiết 36 năm từ 1956-1991 như sau:

       Nhiệt độ trung bình của các tháng từ tháng 12 đến tháng 7 vụ Đông Xuân 1986-1987 đều cao hơn trung bình nhiều năm, trong đó các tháng 1 đến tháng 2 gần 20C. Trong điều kiện đó một bộ phận diện tích lúa Xuân tập trung ở trà Xuân sớm và Xuân chính vụ, đã đẩy thời vụ gieo sớm hơn lịch chỉ đạo nên nhiều diện tích đã trỗ sớm trong khung thời vụ không an toàn.

       Vụ Đông Xuân 1986-1987 có thể coi là Vụ Đông Xuân ấm nhất trong các Vụ Đông Xuân ấm. Những năm có Vụ Đông Xuân ấm tích ôn 3 tháng 12, 1 và 2 dao động 1.613-1.759 0C (Nguồn Quách Ngọc Ân và nhóm Tổng kết 18 năm làm lúa Xuân do Giáo sư Viện sỹ Đào Thế Tuấn chủ trì) nếu tích ôn thời kỳ mạ vượt quá 1.500 0C là gay rồi, mạ có nguy cơ già ống, lúa cấy có khả năng trỗ sớm khoảng giữa tháng 2 đầu tháng 3, năng suất sẽ kém vì dễ gặp nhiệt độ thấp khi lúa đang phân hóa đòng.

       Những năm Đông Xuân ấm kiểu 1 là: 1959-1960, 1965-1966, 1980-1981,

                                   1990-1991 (5 vụ ĐX trong 36 vụ, chiếm 13,9%)

     Đông Xuân ấm kiểu 2: 1964-1965, 1968-1969, 1972-1973, 1974-1975.

                                                            (4 vụ ĐX trong 36 vụ, chiếm 11,1%).

     Lúa Đông Xuân 1986-1987 rơi vào năm ấm kiểu 1 nên tình trạng xẩy ra rất đáng lo lắng đối với bộ phận diện tích trà xuân sớm và chính vụ gieo mạ quá sớm vượt khung thời vụ chỉ đạo. Tập trung chủ yếu ở ĐBSH, Trung du và Khu 4 cũ. Diện tích trà Xuân sớm và Xuân chính vụ Đông Xuân 1986-1987 khoảng 30% (trên 635.000 ha). Diện tích lúa trỗ sớm 32.000 ha.

       b. Về chỉ đạo xử lý

       Trước tình hình cuối tháng 2 đầu tháng 3 đã có lúa trỗ loi thoi trên đồng, nhiều nơi hoang mang, nhiều tỉnh phản ánh lên Bộ Nông nghiệp, Bộ cho đoàn đi các địa phương kiểm tra thấy tình hình đáng lo ngại. Bộ tổ chức ngay một cuộc họp gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý và chỉ đạo sản xuất để bàn biện pháp xử lý gấp.

Sau khi trao đổi, bàn bạc Hội nghị nhất trí và Bộ có chủ trương xử lý  như sau:

       a. Với những ruộng lúa trỗ sớm quá nhiều thì cho nhổ lúa và cho cấy lại.

Biện pháp này dựa trên cơ sở một số ý kiến cho rằng, bây giở mới là đầu tháng 3, những ruộng lúa trỗ sớm nhiều có thể phá đi cầy bừa gieo cấy lại, có thể gieo thẳng bằng giống ngắn ngày như CN2 hoặc cả CR203 lúa vẫn trỗ trong tháng 5, bảo đảm cho thu hoạch tốt. Nơi nào còn mạ dự phòng thì tiếp tục cấy.

       b. Với những ruộng lúa trỗ ít thì thực hiện biện pháp nhổ hoặc cắt những nhánh đã trỗ, tiếp tục chăm sóc bằng cách:

- Điều tiết nước trên ruộng chỉ giữ một lớp nước xăm xắp (2-3cm)

- Bón thêm mỗi sào Bắc bộ (360 m2) 1kg Urê + 0,5kg Kali, bón đều trên mặt ruộng.

- Chú ý phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời sâu bệnh nhất là bệnh đạo ôn.

       c. Với những chân ruộng khác thì tích cực chăm bón như trên để lúa tiếp tục đẻ nhánh, kéo dài thời gian sinh trưởng, để lúa trỗ chậm lại.

       Sau hội nghị, một phong trào xử lý lúa trỗ sớm được triển khai rầm rộ xuống các địa phương.

       Hà Nội là địa phương thực hiện việc nhổ lúa trỗ sờm cấy lại mạnh mẽ nhất. Thời gian này ông Nguyễn Công Tạn là Phó Chủ tịch Hà Nội về thị sát ở Dông Ạnh làm việc với Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện đã ra chủ trương (không bằng văn bản): Tất cả diện tích lúa gieo cấy sớm so với thời vụ chỉ đạo mà đã trỗ nhiều hoặc có đòng già thì phải nhổ đi cấy lại, phải thực hiện khẩn trương may ra thì còn kịp cứu vãn. Nhiều hợp tác xã đã chấp hành, hồ hởi tham gia nhổ lúa cấy lại cũng vui như ngày hội xuống đồng đầu xuân. Tuy vậy, cũng còn nhiều hợp tác xã chần chừ không tha thiết làm, Thế là ông Tạn ra lệnh nếu xã nào không làm sẽ cách chức Bí thư Đảng ủy xã và bãi miễn chủ nhiệm hợp tác xã và thực tế ông đã đề nghị cách chức một Bí thư Đảng ủy xã.

       Ở các tỉnh khác cũng phát động mạnh mẽ phong trào xử lý lúa trỗ sớm nhưng biện pháp nhổ lúa cấy lại không mạnh mẽ như Hà Nội mà nông dân chọn phương thức xử lý nhổ cắt dảnh lúa đã trỗ, tiếp tục bón phân chăm sóc nhiều hơn.

       Kết thúc vụ Đông Xuân, tổng kết lại mấy biện pháp xử lý lúa trỗ sớm do gặp thời tiết ấm có kết quả như sau:

       1. Biện pháp nhổ lúa gieo cấy lại năng suất không cao, một số diện tích năng suất rất thấp hoặc không được thu hoạch vì lý do sau đây:

- Phần lớn những ruộng nhổ lúa cấy lại hoặc gieo thẳng lúa đều trỗ muộn cuối tháng 5, có ruộng sang đầu tháng 6, gặp thời tiết nóng.

- Ruộng gieo thẳng do khi lúa non trên đồng bị trĩ phá hoại rất nặng.

- Một số nơi làm xôi đỗ giữa các biện pháp ruộng thì phá đi gieo cấy lại, ruộng thì để lại nhổ dảnh trỗ sớm rồi chăm sóc kết quả là khi ruộng để lại chăm sóc đã thu hoạch hết thì ruộng cấy lại vẫn còn trên đồng, chuột bọ, sâu bệnh tập trung phá hại nên năng suất rất thấp.

Chưa kể cả độ trễ thời gian từ khi chủ trương của Bộ đến khi triển khai đến hợp tác xã chậm đến 10 ngày có nơi nửa tháng cộng với tư tưởng của nông dân không thiết tha với biện pháp nhổ lúa cấy lại vì rất diệu vợi, tốn công tốn của. Đánh giá tổng quát lại thấy rằng biện pháp nhổ lúa cấy lại là không hiệu quả.

       2. Biện pháp nhổ dảnh lúa đã trỗ, tích cực chăm sóc hiệu quả hơn biện pháp nhổ lúa cấy lại vì:

- Dảnh lúa trỗ sớm chủ yếu là bông cái hoặc các nhánh cấp 1, bông ngắn ít hạt, rất dễ bị lụi đi, nếu nhổ đi chăm sóc tốt lúa tiếp tục đẻ nhánh tiếp.

- Khi chăm sóc, bón thêm đạm và kali cộng với việc dùng bừa chữ Nhi hoặc bừa cỏ Nghệ An, khung rộng, bừa ngang một lần, bừa dọc một lần kích thích việc để nhánh tiếp và kéo dài thời gian sinh trưởng của lúa.

Biện pháp này được đánh giá là khả quan, năng suất lúa hơn hẳn biện pháp nhổ lúa cấy lại.

       Vụ Đông Xuân 1986-1987 là vụ ấm nhất trong các vụ Đông Xuân ấm nên năng suất lúa nói chung thấp. Năng suất vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 22,2 tạ/ha, giảm 10,1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 1985-1986 và giảm 18,1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 1987-1988. Hà Tây giảm 2 tạ/ha do cấy giống NN8 là giống chủ lực bị đạo ôn và bạc lá nặng. Nhiều tỉnh đã mở rộng gieo cấy giống CR203 vào cả trà Xuân chính vụ, lúa bị trỗ sớm, năng suất rất kém. Ở Vĩnh Phú, diện tích CR203 chiếm 46,6%, số diện tích CR203 cấy vào trà chính vụ năng suất chỉ đạt 6,7 tạ/ha. Ở Hải Hưng, tỷ lệ CR203 chiếm 42% trong đó một nửa diện tích đưa vào Xuân chính vụ chỉ đạt năng suất 15 tạ/ha. Một số hợp tác xã đã đưa giống lúa trà Xuân chính vụ như Xuân số 2, Xuân số 4, 13/2 cấy vào trà lúa chiêm (1-10/11), ngược lại lại đưa giống trà Lúa chiêm như C37, C180 vào gieo cấy trà Xuân chính vụ, sự lộn xộn này đưa đến năng suất chỉ đạt 25 tạ/ha trong khi đó huyện Hải Hậu, Hà Nam Ninh gieo đúng trà đã đạt 47,2 tạ/ha. Cũng ở Hà Nam Ninh, huyện Thanh Liêm giống CR203 chiếm tới 84,8% trong đó cấy CR203 vào trà Chính vụ năng suất chỉ đạt 5,9 tạ/ha.

       Qua Vụ Đông Xuân 1996-1997, ngành nông nghiệp không những rút ra được bài học đắt giá về xử lý lúa trỗ sớm mà cũng rút được nhiều kinh nghiệm về bố trí các trà lúa, các giống lúa vào các trà cho phù hợp, giúp xử lý những trường hợp tương tự xẩy ra trong các năm sau.

        7. NHÂN KHOAI TÂY BẰNG INVITRO

       Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Quang Thạch là giám đốc đã chỉ rõ: Việc nuôi cấy mô (tissue culture) là quá trình nuôi cấy vô trùng invitro. Nhân giống Invitro propagation còn gọi là nhân giống Micro propation dùng các bộ phận như đỉnh chồi (Shoot tip) bao gồm mô phân sinh đỉnh riêng rẽ (Single apical meristem) và mầm lá non (young leaf primordis) để kéo dài chồi (shoot elongation) ngay sau đó kiểu nuôi cấy này được dùng đầu tiên để làm sạch virus (virus free) ở thực vật. Phương thức này dùng để nhân giống cây 1 lá mầm: Hoa lan, dưa, huệ, chuối… hoặc 2 lá mầm như khoai tây, cà chua, cúc.

       Áp dụng công nghệ sinh học để chọn tạo và nhân giống cây trồng, Trung tâm công nghệ của Giáo sư Nguyễn Quang Thạch đã chuyển giao kỹ thuật và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới nhất là các loại hoa.

       Nhưng về nguyên lý, phương pháp, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ thì việc nhân giống và làm sạch bệnh cây giống đã được giải quyết căn bản chỉ còn phụ thuộc về điều kiện vật chất và khả năng tiếp thu của nông dân.

       Tuy vậy, việc phát triển sản xuất khoai tây vẫn hết sức khó khăn và không ổn định, vấn đề vẫn là giống và giống chất lượng cao, sạch bệnh. Kết quả nghiên cứu khoa học tạo giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp invitro đã thành công. Nhưng từ nghiên cứu tới đồng ruộng là cả một con đường gập ghềnh, nhiều khó khăn nên trồng khoai tây đại trà vẫn chủ yếu bằng giống tự bảo quản. Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có củ (thuộc Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm) đặt tại Đà Lạt mỗi năm sản xuất được 1,5 triệu củ giống chỉ đủ cung ứng cho sản xuất 200 tấn giống khoai tây nguyên chủng để rồi sản xuất 2.000 tấn giống khoai tây xác nhận đưa vào sản xuất đại trà, với số lượng này cũng còn xa mới tiếp cận được yêu cầu.

Những số liệu dưới đây để tham khảo về sản xuất giống khoai tây:

 

Năm

Diện tích

(1000 ha)

Năng suất

(Tấn)

Sản lượng

(1000 tấn)

1971

5,4

 8,36

45,2

1976

25,5

10,20

260,3

1980

68,8

 8,37

576,0

1985

23,6

 7,99

188,6

1990

32,2

 9,99

361,6

1995

27,2

 8,93

247,2

2000

 

Thư viện ảnh
HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Kien giang Bac Lieu HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Trung uong Nam Thai Son HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Bac Ninh Hue Vinh Hoa HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Phu Tho HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Luong nong BVTV SG HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Trang nong HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Nghe an VT HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Quang ninh 13 HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Ha Nam HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Son La HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Trung Nong Bac Giang HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Ben Tre Dong Nai HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Trung tam giong Nông nghiep Ca Mau Hai duong Viet Nong Dong nam Cuong Tan Hung Yen HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI IV Cong ty TNHH VTNN Hong Quang
» ĐỘI VĂN NGHỆ THAIBINHSEED BIỂU DIỄN
» Đội văn nghệ THAIBINHSEED biểu diễn tại Đại hội 4 HH
» Thực Phẩm Biến Đổi Gen Và Những Tranh Cãi Không Hồi Kết?
» THU HOẠCH LÚA
» THU HOẠCH KHOAI LANG Ở GIA LAI
» Tranh cãi trên toàn cầu về cây trồng biến đổi gen
» Cây trồng biến đổi gen: Thế giới của Moánto
» Cây trồng biến đổi gen: Lợi và hại
» Giới thiệu Trung tâm giống nông lâm nghiệp Lào Cai
» Giới thiệu Công ty CP giống cây trồng Nha Hố
» Công ty CP giống cây trồng Trung ương. P1
» Công ty CP giống cây trồng Trung ương. P2
» Công ty CP giống cây trồng Trung ương. P3
» Kết thúc giao lưu văn nghệ Chi hội TM giống cây trồng Miền núi Phía Bắc 1
» Giao lưu văn nghệ Chi hội GCT Miền núi phía Băc: Bài hát Mùa xuân trên TP HCM. Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Hải Dương
» Giao lưu văn nghệ Chi hội GCT Miền núi phía Băc: Dòng máu Lạc Hồng, Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam
» Giao lưu văn nghê Chi hôị GCT Miên núi phía Băc. Doàn BăcNinh: Quan họ
» Kết thúc giao lưu văn nghệ Chi hội Miền núi phía Bắc
» Kỹ thuật trồng lúa của Thai Lan
» Sản xuất giống lúa thuần vùng Duyên hải Nam Trung bộ
» Sản xuất gióng lúa
Văn bản Hỏi đáp
Tiện ích
Liên kết website
Thống kê
  • Trực tuyến: 51
  • Lượt xem theo ngày: 154
  • Lượt truy cập: 021454
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU GIỐNG CÂY TRỒNG GIA LAI TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU GIỐNG CÂY TRỒNG GIA LAI TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN KON TUM TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIỆP TRÀ VINH CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP HÀ GIANG. ĐC Số 413, Đường Trần Phú, TP Hà Giang. ĐT 219-3868719.  Giám đốc: Ông Hoàng Minh Lợi  TRUNG TAM GIỐNG CÂY TRỒNG VẬT NUÔI ĐĂK LĂK TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG BÌNH ĐỊNH TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG VẬT NUÔI QUẢNG NGÃI TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIỆP TRÀ VINH TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN KON TUM TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG VẬT NUÔI QUẢNG NGÃI TRUNG TÂM GIỐNG CÂY TRỒNG BÌNH ĐỊNH TRUNG TAM GIỐNG CÂY TRỒNG VẬT NUÔI ĐĂK LĂK CÔNG TY CP VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP HÀ GIANG. ĐC Số 413, Đường Trần Phú, TP Hà Giang. ĐT 219-3868719.  Giám đốc: Ông Hoàng Minh Lợi  CÔNG TY CỔ PHẦN VẬT TƯ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP SƠN LA. ĐC Tiểu khu 3 , Thị trấn Hát Lót, Huyện Mai Sơn, T.Sơn La. ĐT  0223.843053.Giám đốc: Ô. Nguyễn Hữu Lâm TRUNG TÂM NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO BẾN TRE. Hương lộ 173,  Ấp Phước Thạnh, Xã Tam Phước H. Châu Thành, Bến Tre. ĐT 075 3 860 345. GĐ Bà Trần Thanh Tâm CÔNG TY CP VẬT TƯ KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP BẮC GIANG. ĐC:Số 1, Lý Thái Tổ, TP. Bắc Giang. ĐT(0240)3854389. TGĐ: Ô.Nguyễn Khang. PTGĐ: Ô.Đặng Văn Trung   CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG CÂY TRỒNG QUẢNG NINH CÔNG TY CP GIỐNG CÂY TRỒNG CAO BẰNG TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIỆP CÀ MAU. Địa chỉ: Ấp Năm Đảm, Xã Lương Thế Trân, Huyện Cái Nước, Cà Mau. ĐT: 0780. 3 888 588. Giám đốc: Ông Phạm Văn Mịch
DANH SÁCH HỘI VIÊN CHÍNH THỨC ĐẾN NGÀY 10/9/2013  CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG CÂY TRỒNG ĐÔNG NAM CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG CÂY TRỒNG LẠNG SƠN CÔNG TY CỔ PHẦN MIỀN NAM     CÔNG TY CP GIỐNG CÂY TRỒNG MIỀN NAM TẬP ĐOÀN GIỐNG CÂY TRỒNG VIỆT NAM CÔNG TY CP TỔNG CÔNG TY NÔNG NGHIỆP QUẢNG BÌNH CÔNG TY CP XNK NAM THÁI SƠN      CÔNG TY TNHH VIỆT NÔNG    CÔNG TY TNHH-SX-TM LƯƠNG NÔNG Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam Công ty Giống cây trồng Nông Hữu Công ty Giống cây trồng nông lâm nghiệp Đại Thịnh Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Bàn Công ty TNHH CƯỜNG TÂN Công ty TNHH Giống cây trồng Miền Trung CTY TNHH EAST-WEST SEED (HAI MŨI TÊN ĐỎ) SYNGENTA VIETNAM Co Ltd TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIÊP HẬU GIANG Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai TẬP ĐOÀN GIỐNG CÂY TRỒNG VIỆT NAM CÔNG TY CP XNK NAM THÁI SƠN       CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG CÂY TRỒNG ĐÔNG NAM CÔNG TY TNHH VIỆT NÔNG    TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP KIÊN GIANG CTY TNHH EAST-WEST SEED (HAI MŨI TÊN ĐỎ) CÔNG TY CP TỔNG CÔNG TY NÔNG NGHIỆP QUẢNG BÌNH CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI TRANG NÔNG SYNGENTA VIETNAM Co Ltd Công ty TNHH CƯỜNG TÂN CÔNG TY CỔ PHẦN MIỀN NAM     CÔNG TY TNHH-SX-TM LƯƠNG NÔNG Công ty TNHH Giống cây trồng Miền Trung Công ty Giống cây trồng Nông Hữu Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam CÔNG TY CP GIỐNG CÂY TRỒNG MIỀN NAM CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG CÂY TRỒNG LẠNG SƠN Công ty Giống cây trồng nông lâm nghiệp Đại Thịnh CÔNG TY TNHH BAYER VIỆT NAM Công ty Cổ phần Tập đoàn Điện Bàn CÔNG TY TNHH GIỐNG CÂY TRỒNG TRUNG NÔNG    TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIỆP ĐỒNG THÁP Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai CÔNG TY CP TỔNG CÔNG TY GIỐNG CÂY TRỒNG THÁI BÌNH